(ĐTCK) Năm 2023, ngành logistics Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ suy giảm kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, câu chuyện có thể sẽ khác nhiều trong năm 2024, khi bối cảnh vĩ mô đổi thay.

TS. Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE có những chia sẻ cùng Báo Đầu tư Chứng khoán về cơ hội với cổ phiếu nhóm này.

Có vẻ năm 2023 không được thuận lắm với nhóm doanh nghiệp ngành logistics?

Cùng với sự vận động phát triển kinh tế, thương mại quốc tế, thương mại điện tử và sự gia tăng mạnh mẽ vốn FDI, ngành logistic là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong nhiều năm qua tại Việt Nam.

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, đặc biệt năm 2023, ngành logistic chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế trong nước do đại dịch Covid-19 mang lại. Tính đầu năm đến này, ngành logistic có thể chia ra làm hai giai đoạn: giai đoạn suy yếu và giai đoạn phục hồi.

Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn suy yếu của ngành logistics, diễn ra từ các tháng cuối năm 2022 cho đến hết quý II/2023. Nguyên nhân chính là do sự suy yếu của kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc… Tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ, EU, Trung Quốc thấp hơn so với mức tăng trưởng trước thời điểm Covid-19; cùng với sự suy giảm GDP là suy giảm tiêu dùng và kim ngạch xuất nhập khẩu.

Ngành logistic là ngành chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, cũng như cầu quốc tế. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam suy giảm mạnh 3 quý liên tiếp từ quý IV/2022 đến quý II/2023, với mức giảm các quý lần lượt là 6,9%, 13,8% và 16,1%. Mức tăng trưởng âm này được xem là thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và thậm chí còn yếu hơn cả giai đoạn Covid 19 bùng phát tại Việt Nam.

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn phục hồi của ngành logistic, bắt đầu từ quý III/2023. Kinh tế trong nước phục hồi cùng hoạt động thương mại quốc tế dần sôi động trở lại. Kim ngạch xuất nhập khẩu bắt đầu khởi sắc từ tháng 7, và ghi nhận tốc độ tăng trưởng dương từ tháng 9, tháng 10. Sự phục hồi của kinh tế Mỹ, Trung Quốc đóng góp tích cực cho ngành logistic trong giai đoạn này. Tính 10 tháng đầu năm nay, theo số liệu của GSO, vận tải hàng hóa ước đạt 1.888,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển (tính cả đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường hàng không), tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 402 tỷ tấn.km, tăng 11,4%. Trong đó, mức tăng cao nhất là đường thủy và đường bộ, lần lượt tăng 19,8% và 13,3% so với cùng kỳ.

Đâu là động lực cho ngành logistics phục hồi trong giai đoạn 2 như ông đề cập?

Những dấu hiệu khởi sắc từ số liệu của ngành logistic trong 10 tháng đầu năm, nhờ sự đóng góp một phần rất lớn đến từ đầu tư cơ sở hạ tầng của ngành, quan trọng nhất là các cảng, nơi đóng vai trò là điểm giao thương quốc tế.

Việt Nam hiện nay đang đứng thứ 4 trong số các nước ASEAN với công suất 13,7 triệu TEU hàng hóa thông quan cảng biển. Đối với hoạt động cảng biển, Việt Nam đang đứng trước cơ hội được đầu tư rầm rộ khi nhiều tập đoàn hàng hải hàng đầu thế giới với những dự án “siêu cảng” tỷ USD.

Đồng thời, Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý rất thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics, với bờ biển dài khoảng 3.260 km trải dài từ Bắc đến Nam, nằm ở trung tâm khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế.

Về cơ sở hạ tầng, tính đến tháng 10/2023, cả nước có 296 bến cảng với chiều dài khoảng 107 km cầu cảng, cao gấp 5 lần năm 2000 (theo quyết định 1490 của Bộ Giao thông vận tải, ngày 15/11/2023). Cả nước có 3 khu vực cảng chính phục vụ ở cả 3 miền đất nước là miền Bắc (cảng Hải Phòng), miền Trung (cảng Đà Nẵng và Dung Quất), miền Nam (cảng Cụm Cát Lái thuộc Hồ Chí Minh – Đồng Nai; cảng Cái Mép Thị Vải thuộc Vũng Tàu).

Ông vừa đề cập đến “siêu cảng”, phải chăng đây cũng sẽ là bệ phóng cho ngành trong một thời gian dài nữa?

Hai dự án siêu cảng ở Cần Giờ và Vĩnh Phúc hứa hẹn sẽ là một trong những nơi trung chuyển lớn nhất Đông Nam Á. Siêu cảng Cần Giờ (tổng mức đầu tư dự án khoảng 5,45 tỷ USD, tổng diện tích bến cảng 571 ha và diện tích mặt nước gần 478 ha, thiết kế của cảng có thể tiếp nhận tàu mẹ lên đến 250.000 tấn, công suất khoảng 16,9 triệu TEU) sẽ cùng với cụm cảng Thị Vải – Cái Mép ở Bà Rịa – Vũng Tàu, trở thành một hệ thống cảng biển cho toàn vùng.

Trong khi đó, siêu cảng ở Vĩnh Phúc (trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc), được khởi công cuối tháng 12/2021 (tổng vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng, quy mô hơn 83 ha, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm) là sự kết hợp giữa 2 tập đoàn lớn T&T Group và tập đoàn YCH (Singapore). Đây sẽ là một trong những trung tâm hậu cần (cảng cạn) lớn nhất miền Bắc Việt Nam, là nơi kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt, cũng như kết nối với Hà Nội, sân bay quốc tế Hải Phòng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Tôi chưa thấy ông nhắc đến hai hạ tầng quan trọng là hàng không và đường bộ?

Đối với vận tải hàng không, giai đoạn 2012 – 2019 ghi nhận sự tăng trưởng bùng nổ từ hạ tầng cảng hàng không đến hãng hàng không. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua sân bay trong giai đoạn này bình quân đạt 18%/năm.

Tuy nhiên, sau giai đoạn Covid, tốc độ tăng trưởng hàng hóa qua sân bay đã có nhiều tín hiệu phục hồi, tốc độ tăng trưởng vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không 10 tháng 2023 tăng 9,9% (tức là mức tăng gần như tăng trưởng gấp đôi so với tăng trưởng GDP của Việt Nam).

Đối với hoạt động vận tải đường bộ thì sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử là nhân tố đóng góp quan trọng. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Trong khi quy mô thương mại điện tử còn nhỏ, chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng thì tốc độ tăng trưởng vận chuyển hàng hóa qua đường bộ 10 tháng 2023 tăng 13,3%.

Theo dự báo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo tăng 25% lên 20 tỷ USD vào cuối năm 2023 và ​​sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao này cho đến năm 2025.

Điều các nhà đầu tư quan tâm lúc này là cơ hội. Theo ông, yếu tố nào sẽ giúp cổ phiếu ngành logistics trong quý cuối của năm 2023 và đầu năm 2024 phục hồi trở lại?

Ngành logistic Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, góp phần vào sự phát triển bền vững và toàn diện của Việt Nam. Sự phục hồi kinh tế thế giới và kinh tế trong nước, sẽ là động lực giúp nhóm ngành logistic được hưởng lợi trong năm 2024.

Theo dự báo mới nhất của IMF về triển vọng kinh tế vĩ mô 2024 (dự báo thời điểm tháng 10/2023), tăng trưởng GDP các đối tác thương mại chính của Việt Nam trong năm sau đối với Mỹ, Trung Quốc, khu vực đồng tiền EU (EA) lần lượt là 1,5%; 4,2% và 1,2%, mặc dù chưa thực sự phục hồi nhưng cũng là những tín hiệu tích cực trong bối cảnh hậu Covid. Do đó, tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu cũng sẽ được dự báo tích cực hơn trong năm 2023.

Sức mua ở thị trường quốc tế cũng sẽ được cải thiện trong cuối năm 2023 và đầu 2024. Lạm phát đã có sự hạ nhiệt ở các quốc gia phát triển. Cụ thể, lạm phát tại Mỹ đã giảm mạnh từ mức 8,9% (giữa năm 2022) về mức hơn 3% hiện tại. Tại EU, lạm phát cũng đã giảm từ mức 8,8% về mức chỉ còn hơn 4%. Sự hạ nhiệt nhanh chóng của lạm phát cùng với sự phục hồi kinh tế có thể giúp tiêu dùng tại các thị trường này trở nên tích cực hơn.

Bên cạnh đó, tính chất chu kỳ của hàng hóa ở các thị trường chính là Mỹ, EU và Trung Quốc, với mùa lễ hội các tháng cuối năm ở cả các nước Phương tây như Hoa Kỳ và EU được dự báo sẽ đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc, giày dép. Đây là những mặt hàng chiếm tỷ trọng trọng chính tính theo giá trị xuất khẩu container của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu vào Trung Quốc cũng được dự báo cải thiện nhờ Tết âm lịch 2024 nhờ nhóm hàng hóa rau củ và thực phẩm.

Về bối cảnh vĩ mô trong nước, chúng tôi dự báo có nhiều điểm tích cực trong năm 2024, tăng trưởng GDP dự báo tăng trưởng tốt hơn 2023 ở mức 6,5%, lạm phát được kiểm soát nằm trong biên độ 4,0 – 4,5% trong mục tiêu của Chính phủ, tăng trưởng FDI tiếp tục được duy trì.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký hơn 16 hiệp định thương mại song phương và đa phương, và đang trong tiến trình đàm phán thêm 3 hiệp định nữa, góp phần gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Do vậy nhìn chung, đây có thể xem là một thời điểm đứng trước cơ hội “xoay trục” của nền kinh tế và việc đầu tư vào nhóm ngành logistic chính là đang “đón đầu” cho sự phục hồi này.