Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/11
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/11 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu REE
CTCK BIDV (BSC)
Năm 2023, BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận thuần của CTCP Cơ điện lạnh (REE – sàn HOSE) lần lượt đạt 8.905 tỷ đồng (giảm 5% so với năm trước) và 2.310 tỷ đồng (giảm 14%).
Dự báo được đưa ra dựa vào: Lợi nhuận mảng M&E giảm 28% do thiếu dự án trong bối cảnh thị trường bất động sản ảm đạm và tăng trích lập dự phòng nợ xấu;
Doanh thu và lợi nhuận mảng văn phòng tăng 5% và 6% nhờ tăng giá cho thuê bình quân 3% , tỷ lệ lấp đầy bình quân là 97,5%;
Doanh thu và lợi nhuận mảng điện giảm 9% và giảm 11% do ảnh hưởng của El nino lên nhóm thủy điện.
Năm 2024, BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận thuần đạt 9.573 tỷ đồng (tăng trưởng 6%) và 2.790 tỷ đồng (tăng trưởng 21% so với năm trước) nhờ sự phục hồi ở tất cả các mảng kinh doanh.
Luận điểm đầu tư: Mảng năng lượng trong năm 2024 được hỗ trợ bởi 1) công ty liên kết PPC có tổ máy S6 công suất 240MW hoạt động trở lại, 2) tác động của hiện tượng El nino đến nhóm thủy điện giảm so với năm 2023; Chi phí lãi vay giảm nhờ 1) giảm dư nợ và 2) môi trường lãi suất hạ nhiệt; Mảng cho thuê văn phòng sẽ có thêm tòa nhà Etown 6 đi vào hoạt động từ đầu năm 2024 và giá thuê trung bình tiếp tục tăng 6,5% tiến đến mức của thị trường.
Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ với cổ phiếu REE, giá mục tiêu 1 năm là 65.600 đồng/CP (upside 16,6% so với giá đóng cửa ngày 24/11/2023, bao gồm 1,8% tỷ suất cổ tức) dựa trên phương pháp định giá từng phần SoTP.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PC1
CTCK MB (MBS)
Doanh thu và lợi nhuận ròng quý III/2023 của CTCP Tập đoàn PC1 (PC1 – sàn HOSE) giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng mạnh từ mức lỗ ròng 12 tỷ quý II/2023, hỗ trợ bởi thủy điện cải thiện và ghi nhận thêm lợi nhuận mảng khai khoáng.
Chúng tôi dự phóng lợi nhuận ròng 2024 sẽ tăng mạnh 206% so với năm trước, hỗ trợ bởi kết quả tích cực từ nhiều mảng kinh doanh như khai khoáng, bất động sản khu công nghiệp và xây lắp điện.
Chúng tôi khuyến nghị mua với giá mục tiêu 32.000 đồng/cp.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPR
CTCK Phú Hưng (PHS)
Trong quý III/2023, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 286 tỷ đồng (giảm 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái), và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 56,7 tỷ đồng (giảm 42%).
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của DPR đạt 612 tỷ đồng (giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 154,7 tỷ đồng (giảm 28%), lần lượt đạt được 69% và 51,2% dự phóng của PHS.
Lĩnh vực cao su thiên nhiên: Vẫn là mảng đóng góp chính cho DPR, chiếm 72% tổng doanh thu công ty. Trong 9 tháng năm 2023, sản lượng tiêu thụ cao su tại công ty mẹ ghi nhận 7.487 tấn (giảm 11%), hoàn thành 58% kế hoạch năm. Đồng thời, giá bán cao su bình quân ước tính giảm khoảng 17% so với cùng kỳ khi chỉ được 33,5 triệu đồng/tấn. Ước tính biên lợi nhuận gộp mảng này hiện chịu ảnh hưởng nặng nề, giảm còn 5,2% so với 20,3% so với năm 2022. Với tình hình thị trường chưa có tín hiệu khả quan, chúng tôi cho rằng giá bán cao su bình quân sẽ tiếp tục dao động quanh mức 33 – 34 triệu đồng/tấn vì vậy biên lợi nhuận gộp của hoạt động cao su sẽ duy trì ở mức thấp.
Hoạt động thanh lý cây cao su: Lĩnh vực này không đạt được như dự phóng với doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2023 chỉ thực hiện được 86,2 tỷ đồng (giảm 24% so với cùng kỳ) khi công ty mẹ hiện thanh lý được 40% kế hoạch năm với 190 ha (giảm 50%) diện tích thanh lý.
DPR vẫn chưa thể ghi nhận khoảng 100 tỷ đồng tiền bồi thường đất từ 02 dự án khu dân cư Tiến Hưng 1 và Tiến Hưng 2 (Đã có phương án bồi thường) vì điều kiện kinh tế thị trường chưa khả quan, các dự án vẫn chưa được thực hiện. Vì vậy ảnh hưởng đến lợi nhuận dự phóng 2023 của PHS.
Tại thời điểm cuối quý III/2023 tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm còn 0% và DPR sở hữu lượng tiền dồi dào với 316 tỷ đồng từ khoản tiền và tương đương tiền (đi ngang so với thời điểm đầu năm); 1.205 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn (đi ngang so với thời điểm đầu năm) và 112 tỷ đồng tiền gửi dài hạn (tăng 893%).
Tiềm lực tài chính tốt đã góp phần: (i) Tăng trưởng doanh thu tài chính: lũy kế 9 tháng năm 2023 DPR đã ghi nhận 88 tỷ đồng (tăng trưởng 95%) (ii) Duy trì cổ tức tiền mặt với tỷ lệ hấp dẫn: DPR đã chốt quyền chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% (3.000 đồng/ cổ phiếu), tỷ suất cổ tức ước tính là 4.84%, là một mức khá hấp dẫn trong ngành.
DPR đang được giao dịch tại P/B dự phóng 23F là 1.09x và dự phóng 24F là 1.07x, phù hợp với mức trung vị 05 năm là 1.09x. Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu 44.000 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VNM
CTCK Vietcap (VCSC)
Chúng tôi điều chỉnh giảm 5% giá mục tiêu nhưng duy trì khuyến nghị khả quan cho CTCP Sữa Việt Nam (VNM – sàn HOSE).
Chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu chủ yếu do chúng tôi giảm 9% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong giai đoạn 2024-2025 do chúng tôi hạ dự phóng biên lợi nhuận gộp thị trường nội địa các năm 2024/2025 lần lượt xuống 150/210 điểm cơ bản còn 43,1%/43,0% (bằng mức 43,1% trong 2021). Điều này được bù đắp một phần do chúng tôi cập nhật mô hình định giá sang cuối năm 2024.
Chúng tôi đánh giá cao khả năng sinh lời vượt trội và khả năng chi trả cổ tức ổn định của VNM. Chúng tôi cũng giữ nguyên dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) doanh thu giai đoạn 2023-2026 của VNM là 6%, nhờ thu nhập của người lao động Việt Nam tăng khi thị trường lao động phục hồi.
Tuy nhiên, chúng tôi giảm dự báo CAGR EPS giai đoạn 2023-2026 xuống còn 8% (so với mức 10% trong dự báo trước đây) do (1) biên lợi nhuận gộp tăng chậm hơn dự kiến trong 9 tháng đầu năm 2023 và (2) những thay đổi bất lợi trong cơ cấu sản phẩm của VNM khiến chúng tôi ít lạc quan hơn về khả năng biên lợi nhuận gộp mảng sữa nội địa của công ty mẹ VNM trong giai đoạn 2024-2025 sẽ tiệm cận mức trước đại dịch COVID.